GS Vincent Houben cho rằng cần nhìn Việt Nam trong mối quan hệ so sánh với lịch sử Đông Nam Á, như một "conjuncture" (tạm dịch là giao điểm).
Phát biểu trước toàn thể quan khách và khoa học gia về Hà Nội tham dự Hội nghị quốc tế Việt Nam học lần ba, ông cho rằng các nghiên cứu mới cần phải tập trung vào bốn hệ giá trị đương đại mà hiện vẫn khó tìm được nghĩa tiếng Việt tương ứng: "progressive enculturation", "plural integration", "dynamic transposition" và "responsive adaptation".
"Để hiểu Việt Nam hiện nay, chúng ta cần nhìn vào quá trình đất nước này phát triển từ mối quan hệ đa dạng giữa các yếu tố vật chất và phi vật chất từ bên ngoài và thể động học từ bên trong", ông nói trong phần kết luận.
Trào lưu đương đại
Đánh giá các công trình mới nhất nghiên cứu về Việt Nam, GS Houben đề cử tập sách nghiên cứu "Lịch sử vượt khỏi biên giới không gian" của Trần Tuyết Nhung và Anthony Reid, xuất bản năm 2006.
Sử gia từ nhiều nước khác nhau đã xét "bản sắc Việt nam" trong lịch sử một ngàn năm tương tác với các giá trị Trung Hoa, Chăm, Khmer, Pháp và những dân tộc chưa hình thành nên quốc gia trên bán đảo Đông Dương.
Một nghiên cứu năm 2008 về mối quan hệ giữa người Kinh và các nhóm người Thượng của Oscar Salemink được GS Houben đề cử như một góc nhìn "từ trên núi", bổ sung cho các quan điểm "từ biển" gần đây của Li Tana, John Whitmore và Charles Wheeler.
"Các phương pháp viết sử mới tìm cách tránh lịch sử dân tộc bằng cách mô tả các tương tác liên quốc gia và toàn cầu, có thể diễn ra ngay ở tầm địa phương trong khu vực biên giới", ông giải thích.
"Vấn đề là cần xác định giá trị của các mối tương tác giữa những cái gọi là bên trong và những cái gọi là bên ngoài, đặt câu hỏi tại sao những tác động bên ngoài lại ảnh hưởng tới Việt Nam theo hướng tạo ra lực đoàn kết, hay ngược lại, về hướng đa dạng".
Bốn giao điểm
Tác giả nhận định lịch sử Việt Nam lâu nay thường được viết như lịch sử của đấu tranh - chống Trung Quốc, Pháp và Mỹ.
"Bên cạnh các cuộc chiến và khủng hoảng giữa bên trong và bên ngoài, tương tác còn có dạng đàm phán, tiếp nhận, hội nhập và chuyển đổi", GS Houben nói.
Ông đề nghị xem xét bốn giao điểm quan trọng trong lịch sử Việt Nam từ cổ tới nay.
Giao điểm thứ nhất là thời tiền hiện đại. Lúc này, dĩ nhiên Việt Nam không thoát khỏi ảnh hưởng Trung Hoa. Tuy nhiên, như Alexander Woodside và nhiều người khác bổ sung, người Việt diễn giải văn hóa Trung Hoa theo cách riêng của họ.
Sự bản địa hóa này tương tự các vùng khác ở Đông Nam Á đã chọn và chuyển hóa văn hóa Ấn giáo-Phật giáo từ 500 đến 1500 sau Công nguyên.
Thứ hai là các tìm kiếm của GS Phan Huy Lê và GS Nguyễn Quang Ngọc, cùng TS Hoàng Anh Tuấn, nhìn vào mối quan hệ hàng hải Á châu từ thế kỷ 16 đến 18. Thời kỳ này, đô thị cổ Hội An đóng vai trò quan trọng, tương tự các cảng thị Pegu, Phuket, Malacca.
Giao điểm thứ ba là sự khai sinh của chủ nghĩa dân tộc, đặt nền móng cho nền độc lập quốc gia.
Theo tác giả, "ý niệm về quốc gia đã có ở Việt Nam từ sớm, nhưng chủ nghĩa dân tộc như hình thức hiện đại thì chỉ bắt đầu có thông qua liên hệ với bên ngoài".
Ở đây, lịch sử về chủ nghĩa dân tộc ở Việt Nam cũng gắn bó với những diễn biến tương tự ở Đông Nam Á, như Philippines và Indonesia.
Nhân sinh quan mới
Và cuối cùng là những quá trình lịch sử bắt đầu từ đầu thập niên 1990, khi kết thúc Chiến tranh Lạnh và Việt Nam bắt đầu tìm kiếm quan hệ bên ngoài các đồng minh cũ, tham gia ASEAN, bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ, mà GS Carlyle Thayer là một trong số các nhà nghiên cứu nổi bật.
Đó cũng là thông điệp chính mà GS Houben muốn gửi tới các nhà Việt Nam học, rằng "phương pháp sử so sánh và ngành Đông Nam Á học cho phép nhìn Việt Nam từ một nhân sinh quan khoa học mới và rộng hơn".
"Làm như vậy sẽ giúp các nghiên cứu mới về Việt Nam học mở ra thêm nhiều không gian mới, liên kết chặt chẽ hơn với các nghiên cứu của các nước khác ở Đông Nam Á và các nơi khác", GS Houben kết luận.
GS Vincent J.H. Houben là trưởng khoa Sử và Xã hội Đông Nam Á thuộc đại học Humboldt ở Berlin, Đức.
BBC/Vietnamese 1/2009
Thursday, October 29, 2009
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment